Link bài gốc: https://tuoitre.vn/tay-keo-cua-andre-70076.htm
TTCN – Sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Canada và Anh nhưng André lại trở về Hà Nội để thực hiện đam mê của mình. Anh không chọn con đường kiếm sống ở nước ngoài bởi: “VN là cội nguồn dòng máu chảy trong tôi”.
Sau những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn ở Canada vì nghề tóc, anh đã bán tất cả tài sản để tới London học tại trung tâm đào tạo về tóc hàng đầu thế giới Tony&Guy. Kỳ quặc và khó tính- nhiều người đã nói về André vậy khi anh chỉ đồng ý cắt tóc cho những người thật sự coi mái tóc là “một tác phẩm nghệ thuật”.
Khi gặp André, tôi mới biết những “diva” nhạc nhẹ Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà và Hồng Nhung đang sở hữu các mốt tóc do chính anh sáng tạo. Từ năm 1998, Thanh Lam đã nhận ra được tay nghề của anh và tin tưởng gửi gắm mái tóc của chị.
André nói: “Với ca sĩ, tóc và trang điểm là điều quan trọng nhất khiến họ tự tin bước ra sân khấu”. Bây giờ Thanh Lam không bao giờ để ai “đụng” vào mái tóc, ngoài anh. Để sáng tạo được một mái tóc phù hợp, anh phải nhìn trang phục và cá tính. Đối với ca sĩ, anh phải tìm hiểu xem họ sẽ ra album gì, từ đó mới hình dung ra kiểu tóc.
Cầm chiếc kéo được làm thủ công trị giá 1.500 USD, André tỉa từng sợi tóc một cách cầu kỳ. Không cần quảng cáo mình tại các hội thi tay nghề về tóc, anh vẫn có những khách hàng sẵn sàng bỏ ra 1 triệu đồng cho mỗi lần làm đẹp mái tóc. |
Trước khi gặp anh, mái tóc của Mỹ Linh không có hồn. Nhưng rồi một ngày album Tóc ngắn ra đời, người ta nhận thấy một Mỹ Linh mới đúng là cô với mái tóc ngắn làm nổi bật đôi mắt bồ câu. André nói: “Mỹ Linh là một nghệ sĩ đầy cá tính, năng động và luôn tìm những cái mới, và tôi đã tạo tóc cho cô khi đã hiểu tính cách ấy. Còn Trần Thu Hà lại có cá tính rất “nhật thực”, tinh tế trong nghề nghiệp. Làm điều gì đó để cô thích thì đó là điều thật đặc biệt. Còn Hồng Nhung có vẻ đẹp dịu dàng, cộng với dòng nhạc mà cô hát không cho phép tính cách bộc lộ quá cao, nhưng dù sao thì tôi cũng đã cắt cho tóc cô ấy ngắn đi 25cm để có mái tóc như trong album Một ngày mới.
André bắt đầu nghề tóc ở Hà Nội từ cuối năm 1996, sau khi từ Canada trở về, tại một beauty salon của một ông chủ Mỹ. Sau đó, anh đã có hiệu cắt tóc của riêng mình tại số 1 phố Nhà Chung. Mặc dù giá cắt tóc tại đây cao nhất Hà Nội, và hiệu cắt tóc mang tên Toni&Guy của anh đã bị người ta nhái lại ở gần 100 nơi khác, nhưng ai đã là khách hàng của anh thì mới hiểu thế nào là một mái tóc đẹp thật sự và họ lựa chọn anh là người duy nhất để giao phó cái đầu mình. Hai phần ba khách hàng của anh là người nước ngoài sống và làm việc tại VN, phần lớn là nhân viên các đại sứ quán. Nhưng anh thích cắt tóc cho người Việt hơn cả, bởi khi đạt được những gì ngoài sự tưởng tượng thì họ vô cùng vui sướng và trung thành với tiệm tóc.
Có được hạnh phúc sáng tạo và niềm vui sống ở VN như hôm nay, André đã trải qua một tuổi thơ nghèo khó nơi đất khách quê người và sự kỳ thị khi anh mới bước vào nghề. Nhưng may mắn là anh sớm nhận ra mình có khả năng trở thành một nhà tạo mẫu tóc. Vượt qua 10.000 giờ học lý thuyết và thực hành tại rường cao đẳng London Hair School ở Canada, cộng với cái khéo léo di truyền của một người xuất thân từ gia đình có ba đời làm nghề tóc, anh kỳ vọng mình trở thành người dày dạn kinh nghiệm và kiến thức trong ngành tóc.
Cay đắng bắt đầu khi anh làm thợ phụ cho viện tóc lớn nhất ở Vancouver, khu vực dành riêng cho người da trắng. Mặc dù đã cố gắng để được trở thành người cắt chính thức, với tiền công 35 đô Canada/đầu, nhưng ý thức về dòng máu đã khiến anh bán toàn bộ tài sản, vay thêm tiền của Chính phủ Canada để sang London, thủ phủ ngành thời trang tóc, để học lại từ đầu. Năm 1993-1994, anh học tại hai trung tâm lớn nhất của Toni&Guy, một trung tâm chuyên đào tạo về kỹ thuật, một trung tâm đào tạo về tâm lý. Tại Toni&Guy, anh còn được cho phụ việc và làm chung. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, anh trở lại viện tóc ở Vancouver và ngẩng đầu kiêu hãnh khi ông chủ trả công “lễ độ” hơn: 60 đô Canada/đầu.
Cuối năm 1996, trở về VN, anh nhận ra rằng từ lâu nay mình quá thiệt thòi khi không được sống và hít thở bầu không khí nơi mình sinh ra. Anh quyết định lập nghiệp tại Hà Nội, vì cảm nhận thành phố này có một lối sống sâu sắc và tinh tế. Tuy vậy, cách nhìn nhận về tóc thời trang ngày đó còn phức tạp. Không ai biết Tony&Guy là gì. Có người lầm tưởng đó là nhà hàng hay cửa hiệu áo quần. Anh tìm hiểu tâm lý và thị hiếu của người Việt, dù biết rằng kiểu tóc thịnh hành ở Hà Nội lúc ấy quá cũ so với thế giới. Anh nén mình lại, không bộc lộ hết những gì có trong tay.
Anh nói: “Mốt tóc của người VN bị ảnh hưởng của phim Trung Quốc và Hàn Quốc quá nhiều. Người VN thích mốt tóc giống nhau, cứ giống nhau thì gọi là mốt mà không biết chọn kiểu tóc riêng cho chính họ”. Bởi vậy, ít người cho phép anh sáng tạo những gì mà anh cho là hợp với họ nhất. “Người ta ngại những cái gì quá mới so với môi trường người ta đang sống, mặc dù thích. Đó là một thiệt thòi cho chính họ và cho tôi, một nghệ sĩ lúc nào cũng sẵn sàng về kỹ thuật”, anh nói.
Hiện nay anh có đối thủ ở VN không?
“Không, tôi không có đối thủ”. So với thế giới, anh đang đứng ở đâu? “Có hằng hà người kém tôi và hơn tôi. Tôi không bao giờ nghĩ mình là người giỏi nhất”. Hằng năm anh trở lại London để tu nghiệp và cảm nhận những khuynh hướng mới nhất của thế giới. Anh có ý định đi đâu lập nghiệp để bay cao bay xa không? “Có lẽ là không, tôi muốn tạo mái tóc người VN đẹp hơn, bởi tôi là người Việt”.
HƯƠNG GIANG